Trong suốt thai kỳ 9 tháng, việc phải thường xuyên đi siêu âm khám thai vốn quá sức bình thường. Thế nhưng có biết bao nhiêu điều dở khóc dở cười, hao tổn cả thời gian và tiền bạc mẹ có thể gặp phải khi đi khám thai, chỉ vì không được chuẩn bị kĩ càng.

10 lưu ý sau đây chính là kinh nghiệm "xương máu" đã được rút ra từ những mẹ bầu đi trước, từng khám thai ở cả phòng phám, bệnh viện tư lẫn bệnh viện công. Có những điều được chính các nữ hộ sinh và bác sĩ sản khoa tư vấn. Mẹ hãy note ngay vào điện thoại nhé!

1. Kiểm tra lịch khám từ Bác sĩ thật kĩ lưỡng trước ngày khám

Thông thường, mỗi mẹ sẽ có một bác sĩ để theo dõi suốt thai kỳ của mình. Lịch khám thai cũng sẽ được sắp xếp sẵn định kì hàng tháng từ trước. Tuy nhiên, không loại trừ trường hợp bệnh viện sẽ có những ca phát sinh khiến bác sĩ sẽ phải nghỉ khám đột xuất. Thế nên, mẹ vẫn cần xác nhận lại lịch khám với bác sĩ của mình khi gần đến ngày hẹn để đảm bảo gặp đúng bác sĩ.

2. Chọn quần áo thoải mái

Ưu tiên hàng đầu về trang phục cho mẹ vào ngày khám thai luôn sẽ là thoải mái. Những chiếc váy bầu rộng rãi nhưng không rườm rà vướng víu sẽ cho mẹ cảm giác dễ chịu hơn. Ngoài ra, mẹ cũng cần lưu ý xem mình sẽ siêu âm bằng hình thức nào để lựa chọn quần áo phù hợp.

Nếu mẹ sẽ siêu âm đầu dò, hãy mặc váy co giãn để bác sĩ dễ dàng thăm khám. Còn nếu chỉ siêu âm bụng thôi, mẹ có thể mặc quần rộng rãi, cạp thấp hoặc kéo xuống dễ dàng để không mất thời gian thay đồ.

3. Uống nước và đi vệ sinh trước khi siêu âm

Ở tam cá nguyệt thứ nhất, khi đi khám thai các mẹ sẽ thường được yêu cầu uống nhiều nước và không đi tiểu trước khi khám. Bằng cách này, bàng quang của mẹ sẽ được làm đầy và đẩy tử cung lên cao hơn, giúp bác sĩ dễ nhìn thấy em bé hơn.

Tuy nhiên sau tam cá nguyệt thứ nhất, em bé cũng đã phát triển lớn hơn trong bụng mẹ. Do đó trước khi siêu âm, mẹ cần đi tiểu để làm trống bàng quang để bác sĩ có thể nhìn thấy em bé trong tử cung mẹ dễ hơn.

4. Vấn đề ăn uống

Việc ăn uống cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến việc mẹ bầu đi khám thai. Những lưu ý mẹ cần nhớ về ăn uống trước khi khám thai bao gồm:

- Trước khi siêu âm, mẹ bầu cần tránh sử dụng các chất kích thích như cà phê, rượu bia, nước ngọt, thuốc lá... để không ảnh hưởng đến em bé.

- Khi phải kiểm tra đường huyết, mẹ hãy đọc kĩ lời dặn từ bác sĩ. Tuyệt đối tuân thủ quy định về ăn uống như cần phải nhịn đói trước bao nhiêu tiếng. Điều này rất quan trọng vì nó sẽ ảnh hưởng đến tính chính xác của kết quả xét nghiệm.

- Nếu đi siêu âm 4D hoặc đo tim thai, mẹ cần ăn no để em bé máy đạp.

Ngoài ra, kinh nghiệm chung là mẹ nên mang theo nước lọc, sữa, bánh ngọt để ăn trong khi chờ đợi hoặc sau khi nhịn đói làm xét nghiệm, tránh bị mất sức.

5. Không đeo trang sức quá nhiều

Điều này chủ yếu để bảo vệ an toàn cho chính mẹ. Mang theo ít tư trang quý giá, hạn chế đeo trang sức để đề phòng mất cắp tại bệnh viện cũng như an toàn bản thân khi đi đường.

Mẹ chỉ nên mang theo những thứ thật sự cần thiết. Tiền bạc tư trang cần cất gọn vào túi đeo chéo hoặc balo để luôn mang theo người.

6. Hồ sơ khám thai, kết quả xét nghiệm

Luôn luôn xếp hồ sơ và kết quả xét nghiệm theo ngày gọn gàng vào một bìa để dễ lưu trữ, tìm kiếm và mang theo mỗi khi khám thai. Mẹ sẽ không muốn chờ mãi tới lượt mình khám thì phát hiện quên tập hồ sơ khám thai ở nhà đâu!

7. Mang giày bệt, thoải mái, không dây buộc, dễ tháo ra mang vào

Lựa chọn giày dép cũng là điều các mẹ nên lưu ý. Hãy chọn những đôi giày êm chân, thoải mái, dễ dàng mang vào tháo ra để giúp việc thăm khám diễn ra thuận lợi nhất cho mẹ.

Không nên mang giày cao gót, giày thể thao nhiều dây, giày có dây phức tạp, giày chật hoặc rộng quá. Việc di chuyển lên xuống ghế siêu âm, đi giữa các khu khám, khu xét nghiệm bằng một đôi giày không thoải mái sẽ làm mẹ bị sưng phù chân hoặc chuột rút, không vui tí nào đâu.

8. Vấn đề tế nhị

Hạn chế sử dụng nước hoa nồng quá vì phòng khám kín sẽ khiến mọi người không thoải mái. Vệ sinh cơ thể sạch sẽ trước khi đi khám, nhất là vùng kín. Hãy lót băng mỏng hàng ngày để tránh những sự cố bất ngờ khiến mẹ "són" ra quần chip.

Vệ sinh răng miệng cũng là một lưu ý nho nhỏ mà các mẹ nên lưu tâm.

9. Đặt lịch hẹn phù hợp và kiên nhẫn chờ đợi

Việc đi khám thai thường mất nhiều thời gian hơn dự tính. Đặc biệt với phần đo tim thai hay phát sinh lâu hơn nếu vô tình khám vào lúc thai nhi đang ngủ. Mẹ hãy lên kế hoạch phòng bị giờ thật kỹ, đặt hẹn lịch dư thời gian, đi đúng giờ đã hẹn, làm đúng lời dặn của Bác sĩ để việc thăm khám diễn ra đúng dự định. Ví dụ, mẹ dự tính đi khám và đo tim thai, sẽ mất tầm 45-60 phút. Nếu mẹ đến quá cận giờ, tầm 19:00 và phòng khám đóng cửa lúc 20:00, thì khả năng mẹ sẽ bị từ chối khám rất cao.

Nếu những mẹ khác khám trước bị phát sinh lâu hơn dự tính, mẹ cũng nên kiên nhẫn chờ tới lượt mình, vì có thể mẹ cũng bị phát sinh như thế.

10. Xin giấy xác nhận đi khám thai

Nếu đi khám vào giờ hành chính và muốn được tính lương (tuỳ công ty/cơ quan), Mẹ hãy xin cơ quan nghỉ đi khám thai và liên hệ Bệnh viện để lấy giấy Xác nhận đi khám thai. Việc lấy giấy chỉ diễn ra trong ngày nên Mẹ hãy lấy ngay trước khi rời Bệnh viện. Mẹ lưu ý mới chỉ có Bệnh viện cấp giấy xác nhận này nhé.

Chúc các mẹ có một thai kỳ khỏe mạnh và không quá vất vả.